Loading...

Tổn thương vôi hóa

Vôi hóa mạch vành nặng vẫn là một thách thức lớn đối với thủ thuật này [10], [8]. Ước tính có khoảng 20% trường hợp có vôi hóa mạch vành từ trung bình đến nặng [44],[76]. Các tổn thương vôi hóa nặng rất khó nở đầy đủ bằng nong bóng, thậm chí với bóng áp lực cao [56].
/img/thematic/full_timmachcanthiep_ton-thuong-voi-hoa-202142415540.jpeg

Can thiệp mạch vành qua da (PCI) là phương pháp tái tạo lại mạch máu đã và đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay cho bệnh động mạch vành tắc nghẽn [30]. Mặc dù PCI đã có rất nhiều tiến bộ trong 40 năm qua, vôi hóa mạch vành nặng vẫn là một thách thức lớn đối với thủ thuật này [10], [8]. Ước tính có khoảng 20% trường hợp có vôi hóa mạch vành từ trung bình đến nặng [44],[76]. Các tổn thương vôi hóa nặng rất khó nở đầy đủ bằng nong bóng, thậm chí với bóng áp lực cao [56]. Bóng nong có xu hướng giãn nở không đối xứng và uốn cong quanh vị trí tổn thương bị vôi hóa nặng, làm tăng nguy cơ bóc tách mạch vành và thủng ở những vị trí không bị vôi hóa cận kề [23],[70]. Mảng xơ vữa vôi hóa nặng cản trở lớn trong việc đưa dây dẫn chức năng  thiệp, bóng và giá đỡ (stent) đến vị trí tổn thương, làm tăng tỉ lệ stent nở không hoàn toàn và không áp sát thành mạch tốt [74],[78].

Việc đẩy quá mạnh stent phủ thuốc (Drug Eluting Stent: DES) qua các tổn thương bị vôi hóa nặng cũng có nguy cơ làm hỏng lớp phủ thuốc, tách một phần stent ra khỏi bóng hay thậm chí tụt ra khỏi bóng hoàn toàn. Hơn nữa, sự khuếch tán không đầy đủ của thuốc vượt qua các vòng cung can-xi nông đến lớp dưới nội mạc làm hạn chế hiệu quả của stent tẩm thuốc [2]. Do đó, ngay cả trong thời đại hiện nay, tổn thương vôi hóa từ trung bình đến nặng vẫn có liên quan đến tỷ lệ cao các biến cố tim mạch nặng (MACE), tái thông tổn thương đích (TLR) và tái thông mạch đích (TVR) khi theo dõi cho bệnh nhân có DES [46],[71]. Điều này có thể là do cả hai yếu tố đặc điểm tổn thương lẫn bệnh nhân, bởi vì vôi hóa mạch vành đáng kể phổ biến khi tuổi cao, suy thận, tiểu đường và tiền sử phẫu thuật bắc cầu mạch vành trước đó (CABG), là những yếu tố tiên lượng độc lập cho các biến cố thiếu máu cục bộ [68],[76]. Sự ra đời của hình ảnh học nội mạch như siêu âm nội mạch (IntraVascular Ultrasound: IVUS) hay dựng hình đối quang (Optical Cohererence Tomography: OCT) đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về cơ chế tại sao stent thất bại và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị tổn thương tối ưu trước khi đặt stent [83]. Các dụng cụ can thiệp để hiệu chỉnh các tổn thương vôi hóa trước khi thực hiện thủ thuật nong tổn thương mạch vành và đặt stent có thể được chia thành hai nhóm: nhóm thủ thuật không cắt gọt mảng xơ vữa và và nhóm thủ thuật có cắt gọt mảng xơ vữa. Các dụng cụ không cắt gọt mảng xơ vữa còn được gọi là bóng hay bóng cải tiến (bóng cắt, bóng bán đàn hồi) điều trị các tổn thương vôi hóa bằng cách cắt hoặc nong tách có chủ đích. Các dụng cụ cắt gọt mảng xơ vữa nhằm mục đích loại bỏ vật lý thành phần mảng xơ vữa bao gồm cắt gọt mảng xơ vữa bằng mũi khoan (RA), cắt gọt mảng xơ vữa bằng dây khoan lắc (Orbital Athrectomy: OA) và cắt gọt mảng xơ vữa tạo hình mạch vành bằng laser [76]. Bảng 1 so sánh ngắn gọn về ba phương pháp cắt gọt mảng xơ vữa. Mặc dù chưa có so sánh ngẫu nhiên đối đầu trực tiếp giữa RA và OA, dữ liệu quan sát cho thấy hai phương pháp này tương đương nhau [43],[60]. Tán can-xi nội mạch (Intravascular Lithotripsy: IVL) là phương pháp hiệu chỉnh mảng xơ vữa bằng cách phá vỡ can-xi trên bề mặt và cả can-xi lớp sâu bên trong tổn thương và là một phương pháp bổ trợ hiện đang được nghiên cứu trong các nghiên cứu lâm sàng [4].


(Trích từ bài viết của Ts Ngô Minh Hùng)

Chuyên đề liên quan View more